Lợi ích của quả ngô với người bệnh tiểu đường

16/07/2022 02:03
Người bệnh tiểu đường có thể ăn ngô với lượng vừa phải, giúp giảm phản ứng của glucose và insulin; không vượt quá 200 gram carbs từ nhiều nguồn thực phẩm trong ngày.

Theo Livestrong, lầm tưởng thường gặp của những người mắc bệnh tiểu đường là tất cả tinh bột, kể cả các loại rau giàu tinh bột như ngô, đều không tốt cho sức khỏe. Ngô có thể mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh nếu ăn ở lượng vừa phải.

Ngô là nguồn cung cấp năng lượng, chất xơ, vitamin và các khoáng chất như kali, magiê, sắt, kẽm. Nghiên cứu của đại học Cornell (Mỹ) cho thấy, tiêu thụ nhiều flavonoid trong ngô giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, tim mạch...

Nửa cốc ngô chứa 2 gram chất xơ, 5 gram protein, 5 gram chất béo (phần lớn là chất béo không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa có lợi cho tim mạch). Một lượng vừa phải tinh bột kháng (khoảng 10 gram mỗi ngày) từ ngô có thể làm giảm phản ứng của glucose và insulin.

Nếu không rang với bơ, muối hay đường thì bỏng ngô được xem là ngũ cốc nguyên hạt chứa ít calo (khoảng 30 calo mỗi cốc) và nhiều chất xơ (khoảng một gram mỗi cốc). Thực phẩm giàu chất xơ cần nhiều thời gian để tiêu hóa, giúp bạn no lâu hơn. Ăn ngô nguyên hạt thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giảm nguy cơ béo phì, làm chậm quá trình oxy hóa.

Ngô là thực phẩm giàu tinh bột. Chỉ số đường huyết của ngô là 52 ở mức thấp. Chỉ số tải đường GL trung bình là 15. Bệnh nhân tiểu đường nên chọn những loại thực phẩm có chỉ số GI thấp vì chúng có xu hướng giải phóng glucose chậm và ổn định, giúp kiểm soát đường huyết. Những món ăn có chỉ số GI cao thúc đẩy giải phóng glucose và nếu cơ thể không thể sản xuất đủ lượng insulin (hormone giúp xử lý lượng đường trong máu) sẽ dẫn đến tình trạng thừa glucose. Ăn ngô mang đến một số lợi ích nhưng có thể làm tăng lượng đường trong máu và tác động đến việc kiểm soát bệnh nên cần lưu ý.

Lợi ích của quả ngô với người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể ăn ngô. Ảnh: Freepik

Một số thực phẩm có thành phần chính là ngô như bánh ngô (GI = 81), bỏng ngô (GI = 65)... Bạn cũng có thể thưởng thức ngô rang (6 gram carbs trong một cốc), bánh bỏng ngô (chứa 8 gram trong một khẩu phần một chiếc bánh)... Đối với tất cả các loại thực phẩm chế biến với ngô, bạn nên kiểm tra nhãn dinh dưỡng để biết hàm lượng carb của chúng vì có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Khi ăn ngô, bạn cũng cần lưu ý khẩu phần, cân đối với các thực phẩm chứa carbs khác trong ngày. Người lớn mắc bệnh tiểu đường không nên ăn quá 200 gam carbs (từ nhiều nguồn thực phẩm) mỗi ngày.

Ngô hấp hoặc nướng là lựa chọn phù hợp với người bệnh tiểu đường. Thay vì bơ, bạn có thể thử trộn vào một thìa cà phê dầu ô liu và một lượng muối vừa phải để tăng thêm hương vị; có thể sử dụng hạt ngô trong món salad, súp và món hầm. Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế gia vị không lành mạnh như bơ, đường, muối, những chất bổ sung chất béo bão hòa. Bạn có thể thay thế bằng bơ thực vật, các loại thảo mộc tươi như húng quế hoặc ngò, có thể ăn cùng với ngô.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, chế độ ăn uống lành mạnh cho những người mắc bệnh tiểu đường nên tập trung vào thực phẩm ít chất béo bão hòa, đường, natri. Mỗi cá nhân sẽ có chế độ ăn uống, lượng carbs tiêu thụ khác nhau. Người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi đưa ngô vào thực đơn hàng ngày nhằm đảm bảo kiểm soát tốt đường huyết và có lợi cho sức khỏe tổng thể.

 

Theo vnexpress.net

Lợi ích của quả ngô với người bệnh tiểu đường - Sức Khỏe