Tìm cách thu hút nữ công nhân vào Hội

02/12/2022 09:47
Tính đến tháng 10/2022, Hội LHPN TPHCM đã thành lập được 168 câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ với 3.997 thành viên; 130 CLB, tổ, nhóm nữ công nhân nhà trọ với 2.536 thành viên; xây dựng 141 chi, tổ hội phụ nữ công nhân, lao động với 3.842 hội viên; thành lập 10 chi, tổ hội phụ nữ tại các doanh nghiệp với 246 hội viên.

 

Việc thành lập những mô hình này ngoài góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lực lượng lao động nữ còn là cách để Hội Phụ nữ xây dựng lực lượng nòng cốt trong nữ công nhân. Đây cũng là 1 “kênh” để các cơ quan chức năng kết nối thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đến với công nhân.

Vận động nữ công nhân vào Hội không dễ!

Tại buổi tọa đàm, nhiều cán bộ Hội cơ sở và nữ chủ nhà trọ đã chia sẻ giải pháp phát triển chi hội nữ công nhân lao động và nữ chủ nhà trọ. Chị Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Thành, quận 12 - cho biết: phường Hiệp Thành có khu công nghiệp Tân Thới Hiệp và cụm công nghiệp Quang Trung, tập trung hơn 300 doanh nghiệp nên có rất nhiều khu nhà trọ công nhân. Từ năm 2013, Hội LHPN phường đã thành lập CLB nữ chủ nhà trọ. Hiện CLB này có 19 thành viên. Năm 2016, Hội Phụ nữ phường đã thành lập 1 chi hội phụ nữ công nhân với 62 hội viên. Từ đầu năm đến nay, Hội phát triển được 57 hội viên là công nhân. Để phát triển và duy trì các hình thức sinh hoạt, CLB nữ chủ nhà trọ và Hội LHPN phường tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các chuyên đề về phòng ngừa bạo lực xâm hại trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, an toàn thực phẩm trong gia đình, tổ chức sân chơi cuối tuần vào chiều tối Chủ nhật… Từ hoạt động của các mô hình, chủ nhà trọ đã kịp thời thông tin, trao đổi với Hội Phụ nữ về những trường hợp khó khăn. Hội đã kịp thời giúp đỡ nữ công nhân bị tai nạn lao động, thai phụ khó khăn, trẻ mồ côi và trẻ bị bệnh tim là con công nhân.

Tìm cách thu hút nữ công nhân vào Hội

Hội LHPN quận Bình Tân tổ chức tập huấn kỹ năng tự vệ cho phụ nữ và trẻ em

Chị Hoàng Thị Thịnh - một chủ nhà trọ tại ấp Cây Sộp, xã Tân An, huyện Củ Chi - cho biết: “Để vận động chị em tham gia hoạt động Hội là điều không dễ dàng khi cuộc sống các chị còn nhiều khó khăn. Ban ngày phải đi làm, tăng ca, tối về lại lo cơm nước cho gia đình, chồng con, nên nhiều chị không thiết tha với các hoạt động. Vận động chị em tham gia sinh hoạt đã khó, việc duy trì còn khó khăn hơn. Thành viên CLB nữ chủ nhà trọ, chi hội nữ công nhân luôn cố gắng đồng hành, giúp đỡ người lao động thuê trọ. Phải làm thật, mang lại lợi ích thiết thực thì mới vận động được chị em đến với Hội”.Các cơ sở Hội và nữ chủ nhà trọ cũng cho hay, để vận động được 1 hội viên nữ công nhân, không phải cứ đến mời là họ đồng ý tham gia ngay mà cần phải có thời gian để chứng minh cho họ thấy lợi ích thực sự. Trong nhiều trường hợp, cán bộ Hội phải bỏ tiền túi để kịp thời thăm hỏi khi chị em ốm đau, bệnh tật. Năm học mới thì lo chuyện trường lớp, sách vở cho con em lao động nhập cư… Những việc này tuy nhỏ nhưng nếu các thành viên CLB, chi, tổ hội không nhiệt huyết, không có điều kiện về kinh tế thì sẽ không duy trì được hoạt động.Cái khó nữa là nhiều chị em chưa mạnh dạn tham gia vì nhiều lý do. Số lượng hội viên tham gia hoạt động không ổn định do có biến động về chỗ ở.Chăm lo để gắn kếtChị Nguyễn Thị Minh Hạ - thành viên CLB Nữ chủ nhà trọ TP Thủ Đức - kể: Một ngày, nhìn thấy chị H.P. vừa đi vừa khóc, chị Hạ níu lại hỏi thăm mới biết, chị H.P. một mình nuôi 2 con đang học cấp III, nhưng lại đang mắc bệnh ung thư, không còn khả năng cho con đi học.Chị Hạ cảm thông và tìm cách giúp đỡ. Chị đã cùng khu phố vận động, may áo dài, đồng phục, mua tặng tập sách, xe đạp cho các con chị H.P. Được giúp sức, chị H.P. yên tâm chữa trị bệnh tình và đi làm trở lại. Cuộc sống dù vẫn còn khó khăn, nhưng đã vượt qua lúc ngặt nghèo. 2 con chị vẫn tiếp tục được đến trường.

Tìm cách thu hút nữ công nhân vào Hội

Hội LHPN và Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn thăm và tặng quà cho con em lao động khu nhà trọ

Trường hợp khác là bà Trần Thị Nguyệt đang thuê trọ tại khu trọ của chị Hạ. Bà Nguyệt đã ngoài 50 tuổi, một mình buôn bán nuôi con, nhưng đang mắc bệnh tiểu đường. Từ ngày bà Nguyệt đổ bệnh, chị Hạ không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn tìm kiếm thêm công việc gia công kết cườm để bà Nguyệt làm thêm tại nhà, vừa có niềm vui lại có tiền sinh hoạt, thuốc thang. Gần đây, chị Hạ lại giới thiệu cho bà Nguyệt việc trông giữ trẻ.Có thể nói, trước đây rất nhiều chị em, đặc biệt là nữ công nhân lao động, không hề biết cũng như không mặn mà với các hoạt động của Hội. Nhưng từ sự giúp sức của các chi, tổ hội, đặc biệt là các nữ chủ nhà trọ, nhiều chị em đã trở thành hội viên, hội viên nòng cốt, tích cực với hoạt động Hội.Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - cho biết: Trước đây, hiện tại và đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài, các nữ chủ nhà trọ luôn đồng hành cùng thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, giảm hoặc không tăng giá thuê phòng trong thời gian dài. Việc kết nối với các nữ chủ nhà trọ không chỉ gắn với các hoạt động truyền thông mà qua đó, Hội còn kết nối để trang bị kiến thức và kỹ năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giới thiệu việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Chính các chị là những người truyền thông cho Hội, gắn kết nhiều chị em tham gia Hội.Song An

Đa dạng hình thức tập hợp nữcông nhân nhà trọ* Quận Bình Tân có 3 khu công nghiệp với trên 22.000 doanh nghiệp, 800.000 dân với khoảng 350.000 lao động. Là quận có số dân nhập cư đông, Hội LHPN quận luôn chủ động tìm cách để tập hợp nhóm nữ công nhân lao động.

Đến hiện nay, Quận Hội Bình Tân đã phát triển được 31 CLB nữ chủ nhà trọ với khoảng 900 thành viên, 37 tổ hội phụ nữ công nhân lao động. Trong năm 2022, Hội đã thành lập mới được 1 chi hội và 13 tổ hội nữ công nhân lao động với khoảng 500 thành viên. Để tập hợp nữ công nhân lao động, ngay tại khu nhà trọ, Hội thí điểm thành lập mô hình nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Tại đây, Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền kết hợp với tập huấn, thực hành các kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng góc học tập, vận động sinh viên và nữ thanh có nghiệp vụ sư phạm tổ chức dạy kèm cho con em người lao động tại khu nhà trọ, vận động lắp đặt các bộ thiết bị tập thể dục thể thao ngoài trời… giúp người lao động có được môi trường vui chơi, giải trí, sinh hoạt lành mạnh ngay tại nơi lưu trú.

Chị HUỲNH ĐẶNG HÀ TUYÊN - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân

* Hội LHPN huyện Hóc Môn phát triển các mô hình tập hợp nữ công nhân lao động theo nhóm sở thích, ngành nghề, đồng hương… Để làm được điều này, Hội LHPN các xã, thị trấn rà soát các khu nhà trọ trên địa bàn, tập hợp danh sách các khu nhà trọ có từ 9-10 nữ lao động để thành lập các tổ nhóm nữ công nhân theo ý thích. Ví dụ như xã Tân Thới Nhì có nhóm phụ nữ làm nghề xỏ mành trúc, Hội kết nối thành lập nhóm phụ nữ trúc xanh. Tại xã Đông Thạnh có nhóm phụ nữ khéo tay. Trong quá trình thành lập và duy trì hoạt động, Hội hỗ trợ biên soạn và cung cấp các tài liệu tuyên truyền; hỗ trợ phát triển kinh tế, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Tính đến tháng 9/2022, Hội LHPN huyện Hóc Môn đã thành lập được 8 CLB nữ công nhân nhà trọ với 138 thành viên; 22 tổ nữ công nhân nhà trọ với 267 hội viên. Ngoài ra, Hội tiếp tục duy trì, nâng chất hoạt động của 5 CLB nữ chủ nhà trọ với 50 thành viên.

Chị ĐẶNG TRẦN TRÚC DAO - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn

* Tại huyện Bình Chánh, Hội LHPN huyện đã thành lập được Chi hội Nữ công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên từ tháng 4/2022, với 32 hội viên là công nhân của công ty. Ban đầu, Hội chỉ mới kết nối với Chi hội Nữ công nhân công ty tổ chức các hoạt động như họp mặt 20/10, tặng quà, tạo sân chơi cho nữ công nhân vào cuối tuần; kết nối để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty. Tuy hoạt động chưa phong phú nhưng nhiều chị em công nhân đã biết đến Hội. Trong kế hoạch, tổ chức Hội sẽ gắn kết với ban lãnh đạo công ty để chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.

Chị VÕ PHƯỢNG LIÊN -Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh

     
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Tìm cách thu hút nữ công nhân vào Hội - Phụ nữ