Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết người hút thuốc tăng nguy cơ ung thư phổi gấp từ 15-30 lần so với người không hút.
Thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ tại lễ phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi mang tên “Thương phổi” với thông điệp “Tầm soát ngay, sớm chữa lành”. Hoạt động do Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức sáng 13/8.
Cứ 100.000 người dân Việt lại có 36 nam giới chẩn đoán mắc ung thư phổi
Giáo sư Thuấn cho hay hiện nay, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 19,3 triệu ca mới mắc và 9,9 triệu người tử vong vì ung thư. "Thường xuyên có hơn 50,5 triệu người trên thế giới đang sống chung với ung thư", ông Thuấn cho biết.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.
Người dân được khám, tư vấn bệnh hô hấp miễn phí tại chương trình, sáng 13/8. Ảnh: Minh An
Riêng ung thư phổi, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 26.000 ca mắc mới và 23.000 ca tử vong. Tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới gấp 3 lần ở nữ giới. Cứ 100.000 người dân Việt Nam thì có 36 nam giới và 12 nữ giới được chẩn đoán mắc ung thư phổi.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn,nếu so sánh, số ca mắc mới và ca tử vong do ung thư phổi xấp xỉ nhau. Đó là do tỷ lệ người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, lên đến 75%.
"Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp và thời gian sống thêm của người bệnh rút ngắn. Trong khi đó, những người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, có tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến 65-90%”, ông Thuấn cho biết. Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trên 90% người bị ung thư phổi là do thuốc lá
Dẫn chứng về mối liên quan giữa ung thư phổi và thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết số liệu từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thấy rằng, người hút thuốc có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp từ 15 đến 30 lần so với người không hút. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, người không hút cũng hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%.
Còn theo Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, thuốc lá điện tử hay thuốc lá không khói cũng đã được chứng minh có chứa các chất gây ung thư và liên quan đến nhiều bệnh lý đường hô hấp khác. Điều tra toàn cầu về thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2020 cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3% và 1,7% ở nữ giới là khá cao, và đặt ra những thách thức cho việc dự phòng ung thư phổi.
Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ thông qua chiến dịch này, người dân hãy chủ động tìm hiểu và thực hiện thói quen khám tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi.
Bên cạnh đó, Giáo sư Thuấn kêu gọi người dân "hãy cùng nói không với thuốc lá", người chưa hút thì không nên hút; người thân, bạn bè, những người xung quanh nên khuyên người hút thuốc từ bỏ dần tiến tới từ bỏ thuốc lá, cùng nhau tạo ra môi trường không khói thuốc tại nhà, nơi làm việc và nơi công cộng, duy trì chế độ ăn cân đối, luyện tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe.
5 nhóm người liên quan đến hút thuốc cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ:
- Người có tiền sử hút thuốc lá, đặc biệt từ 20 năm trở lên.
- Người trên 50 tuổi và từng có thời gian hút thuốc (trên 10 năm).
- Người hút thuốc > 20 bao/năm (số bao/năm được quy đổi bằng số bao hút trung bình một ngày x số năm hút thuốc. Ví dụ: 1 ngày hút 1 bao, trong 20 năm được quy đổi là 20 bao/năm; một ngày hút 2 bao, trong 10 năm cũng được quy đổi là 20 bao/năm).
- Người hiện vẫn đang hút thuốc hoặc mới bỏ trong vòng 15 năm.
- Người hút thuốc lá thụ động (người thân, vợ chồng, con cái…) của người hút thuốc lá.
(Nguồn: Bệnh viện K)Minh An
Nguy cơ tử vong khi mới ngoài 30 tuổi vì thâm niên hút thuốc lá hàng chục nămTrung bình một năm, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận điều trị khoảng 10-15 bệnh nhân trẻ (dưới 40 tuổi) bị nhồi máu cơ tim do sử dụng thuốc lá.
Bình luận