Từ những yếu tố tự nhiên và niềm đam mê của người chơi, không ít người đang kỳ vọng sẽ có một lễ hội chọi trâu quốc tế được tổ chức ngay tại khu vực Đông Nam bộ trong một ngày không xa.
Khá lên nhờ nuôi trâu trang trại
Nhờ sự kết nối của một đồng nghiệp, chúng tôi có cuộc hẹn với ông Nguyễn Tấn Hưng (thường được gọi là Hai Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước), chủ một trang trại trâu lớn nhất nhì cả nước, nằm trên địa bàn xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, giáp với tỉnh Tây Ninh. Theo những con đường trải nhựa từ trung tâm thị xã Bình Long trải dài về phía Tây, chúng tôi đến được trang trại của ông Hai Hưng. Một tòa nhà lớn xây gạch, mái lợp ngói hiện lên trên một quả đồi, bao quanh là những vườn cây trái mà nhiều nhất là chuối. Nổi bật nhất, ở phía trước tòa nhà có những cánh đồng cỏ rộng lớn được rào cẩn thận dùng để thả trâu chọi. Một vài con đang đằm mình trong sình giơ cái lưng đen bóng. Chờ khoảng hơn một giờ thì ông Hai Hưng về, dáng người thấp, chắc nịch so với cái tuổi 68. Vốn tính giản dị, chân chất nên chỉ qua vài câu chào hỏi thì cuộc nói chuyện đã trở nên thân tình.
Vốn là người sinh ra, lớn lên ngay trên mảnh đất Hớn Quản nên ông Hai Hưng hiểu rõ tập tính của trâu, bò. Khi còn làm Phó Chủ tịch UBND huyện vào những năm 80, ông đã bắt đầu mua đất, lập trang trại nuôi bò. Khoảng năm 1982, đàn bò nhà ông đã lên đến 60 con. Ngày đó giá đất còn rẻ, nên sau nhiều năm tích góp, ông đã mua được một gia tài lên đến 100ha đất. Do nước bọt của con bò khá độc, ăn lá cây cao su mới trồng của dân thì cây chết, bắt chủ đền nên ông Hai Hưng chuyển sang nuôi trâu. Với hình thức nuôi trâu giống, mỗi lứa lại bán một ít, rồi tiếp tục gầy đàn, nên đàn trâu nhà ông dần dà đã lên đến 300 con.
Cách đây hơn 10 năm, ông Hai Hưng có thêm thú vui nuôi trâu chọi và nhanh chóng được người chơi trâu chọi cả nước biết đến nhờ khả năng tuyển trâu và rèn trâu chọi. Có lúc đàn trâu chọi của ông lên đến 102 con. Nhiều con trâu của trang trại ông được mang đi thi đấu ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đều giành giải cao. Như năm 2017, trâu chọi của ông giành ngôi quán quân, nhưng bị đem ra giết thịt bán cho người dân ăn lấy hên (theo phong tục) nên từ đó đến nay ông không đưa trâu tham gia nữa. Ông bật mí: “Bí quyết để có trâu chọi giành giải là phải lựa trâu già, lội sình tốt, lâu lâu đem ra chọi thử rồi chọn con thắng để bồi bổ, chăm sóc tiếp để đem ra đấu. Nhờ đó, trâu từ các vùng khó địch lại trâu Hớn Quản”.
Hướng đến lễ hội chọi trâu Đông Dương
Theo ông Hai Hưng, thú vui chọi trâu đã có trong dân địa phương từ rất lâu rồi, khi mùa màng đã xong, người dân thường mang trâu nhà nuôi lên rừng chọi và “có khi coi cả tiếng đồng hồ chưa phân thắng bại do cặp sừng tự nhiên không mài nhọn như trâu chuyên chọi”. Sau đó, học theo cách của Đồ Sơn, người dân Hớn Quản cũng lựa mua trâu từ nhiều nơi ở Campuchia, Đồ Sơn, Đắk Nông, Lào Cai về nuôi. Và bí quyết là phải “chọn trâu già về chăm nhanh cho ra đánh, nhanh thì 1 tháng, có khi 2-3 tháng mới đánh chiến được”.
Từ năm 2012, huyện Hớn Quản bắt đầu tổ chức hội chọi trâu tại sân vận động cũ của huyện và đến năm 2014, bắt đầu có sân cho trâu chọi và chỗ ngồi cho người xem. Nếu Đồ Sơn mỗi năm chỉ chọi một lần thì ở Hớn Quản người dân tổ chức hội chọi trâu 2 lần mỗi năm vào dịp tháng 3 và tháng 8 âm lịch, thu hút rất đông người dân tham gia. Trước khi dịch Covid-19 ập đến, lễ hội đã thu hút được rất đông người từ các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ; trong đó năm 2019 đã diễn ra 12 cặp đấu, thu hút hàng ngàn người dự khán. Hiện ở Bình Phước có khoảng 20 người nuôi trâu chọi, phần lớn ở huyện Hớn Quản.
Từ nuôi bò, trâu thương mại đến nuôi trâu chọi, giờ đây, ông Hai Hưng đang tính chuyện tổ chức lễ hội chọi trâu cho khu vực miền Nam. Ông đã tính đến việc mở rộng sân chơi sang Campuchia, Lào và 4 tỉnh giáp biên giới với Việt Nam cùng tham dự. Ông quả quyết, cả miền Nam không đâu điều kiện tốt như ở Hớn Quản với đất rộng, nhiều đồng cỏ, lại có nhánh sông Sài Gòn chảy qua, gần quốc lộ 13 và xung quanh là các tỉnh (kể cả nước bạn) đều nuôi nhiều trâu nên có thể nâng quy mô tổ chức từ hội chọi trâu cấp huyện lên cấp quốc gia, vừa góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương (tương lai có thể mời thêm các nước khác trong khối ASEAN tham gia) vừa tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo.
Ngoài điều kiện tự nhiên và số lượng trâu chọi, vẫn phải đi kèm các yếu tố khác như hạ tầng du lịch khách sạn - nhà hàng phục vụ khách du lịch, nhưng thiết nghĩ, ý tưởng của ông Hai Hưng có tính khả thi và cần được tỉnh Bình Phước cũng như Bộ VH-TT-DL chắp cánh để một ngày không xa, ngoài hội chọi trâu Đồ Sơn, các tỉnh phía Nam có một lễ hội chọi trâu Hớn Quản mà tầm vóc có khi hơn cả Đồ Sơn.