'MH370: Chiếc máy bay biến mất': Lời nói dối trắng trợn của Netflix

15/04/2023 09:15
Phim tài liệu 'MH370: Chiếc máy bay biến mất' bị phản đối không chỉ tại Việt Nam và cả ở các quốc gia khác bởi những lập luận, thông tin không chuẩn xác.

>> Xem thêm Sao Hoa Ngữ

 

'MH370: Chiếc máy bay biến mất': Lời nói dối trắng trợn của Netflix

Poster bộ phim truyền hình tài liệu 'MH370: Chiếc máy bay biến mất' được phát sóng trên nền tảng Netflix - Ảnh: IMDb

Không chỉ tại Việt Nam, loạt phim tài liệu MH370: Chiếc máy bay biến mấtnhận chỉ trích từ khán giả nhiều nơi trên thế giới. Họ cho rằng Netflix đã khai thác nỗi đau từ một thảm kịch chỉ để tung ra những lời nói dối.

Bị hoài nghi về tính xác thực

Tờ The Times dẫn lời ông David Mearns, một thợ săn xác tàu cổ đồng thời là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về biển. Ông Mearns bày tỏ sự thất vọng sâu sắc của mình đối với loạt phim về chiếc máy bay xấu số MH370.

Bài báo được đăng trên tờ The Times chỉ trích loạt phim của Netflix: “Mặc dù 2 trong 3 tập phim chủ yếu để nói về các thuyết âm mưu nhưng phần lớn vẫn chỉ là những lập luận không mấy chuẩn xác và có phần phiến diện".

'MH370: Chiếc máy bay biến mất': Lời nói dối trắng trợn của Netflix

Ông David Mearns, chuyên gia săn tìm xác tàu đắm, thất vọng trước những lập luận trong bộ phim tài liệu về MH370 trên Netflix - Ảnh: AIRLINE RATINGS

Cũng theo bài báo trên, các quan chức tham gia cuộc tìm kiếm của Úc cảm thấy bị xúc phạm bởi các lập luận được đưa ra trong loạt phim.

Ông Mike Exner, một thành viên của hội đồng giám sát gồm các chuyên gia hàng không, nói những lập luận này đánh lạc hướng dư luận.

Một bài viết khác trên trang web Big Think chỉ trích loạt phim MH370 của Netflix với tiêu đề: “Điều gì đã xảy ra với chuyến bay MH370? Các bạn đừng tin theo những gì mà bộ phim tài liệu của Netflix đã đưa ra”.

“Tôi luôn cảm thấy hoài nghi tính xác thực của loạt phim tài liệu của Netflix, trừ khi nó (loạt phim về máy bay MH370 của Netflix) được chiếu trên kênh National Geographic”, trang Airline Ratings dẫn lời tác giả Alex Berezow.

Ông Alex Berezow nhận định những bộ phim “gắn mác” phim tài liệu tương tự có vẻ như chỉ đơn giản “kể lại” câu chuyện đã được “thêm mắm dặm muối” để hút khán giả hơn.

Vậy liệu các phim tài liệu như vậy có bám sát theo sự thật hay không? Đây là một câu hỏi rất nhiều khán giả và cả giới chuyên môn đang đặt ra.

Bộ phim "có hại"

Ngoài ra, trang Collider cho rằng khán giả nên “ném loạt phim về máy bay MH370 trên Netflix vào sọt rác” bởi những thông tin trong phim “chỉ hại chứ không có lợi”.

Trang Collider thậm chí gọi MH370: Chiếc máy bay biến mất là một “bộ phim tài liệu không có nhiều tài liệu”.

Để tạo một bộ phim tài liệu đủ thu hút khán giả là một nhiệm vụ khó khăn. Điều này đòi hỏi phải chủ đề hấp dẫn, mục đích phải rõ ràng, kỹ thuật sản xuất đủ cuốn hút người xem và duy trì sự quan tâm của họ.

Tạp chí Our Culture cũng cho biết phim tài liệu tồn tại là để ghi lại sự thật. Thể loại phim này không giống với những thể loại phim khác:

"Không có câu chuyện dựa trên thông tin thực tế thì phim tài liệu sẽ không còn là phim tài liệu mà nó sẽ trở thành phim giải trí".

Our Culture nhận định MH370 là chủ đề hấp dẫn. Thế nhưng, loạt phim không đưa ra được bất kỳ dữ kiện hoặc bằng chứng có ích nào trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay ngoài đời thực.

Loạt phim MH370: Chiếc máy bay biến mất là một bộ phim truyền hình tài liệu của đạo diễn Louise Malkinson. Phim kể về thảm họa chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8-3-2014.

Ngày 13-4, tập 1 của loạt phim bị gỡ khỏi Netflix tại Việt Nam, sau khi phim bị phản đối vì đề cập sai sự thật về quá trình Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay.

Theo Nguồn tuoitre.vn

'MH370: Chiếc máy bay biến mất': Lời nói dối trắng trợn của Netflix - Tin Tức