Chị Lan (bên phải) và mẹ chồng cùng soạn đồ để gửi đi thiện nguyện vùng cao Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thị Uyên Lan (quận Hà Đông, Hà Nội) là một người làm từ thiện năng nổ với liên tục các đợt thiện nguyện giúp đỡ các em nhỏ tự kỷ, hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư, hay tổ chức rất nhiều các đợt quyên góp hay hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản. Tiếp xúc nhiều với người phụ nữ này mới biết, phía sau gương mặt rạng ngời và nụ cười hiền hậu, là cả một quãng thời gian dài chị phải vượt qua nhiều khó khăn, biến cố. Nhưng tất cả giờ đã đi qua, và khi nhìn lại, chị luôn thầm nhắc nhở tới mẹ chồng - người đã tiếp cho chị thật nhiều động lực.
“Mùa đông năm nào cũng vậy, mẹ tôi lại cần mẫn soạn, lọc thậm chí vá từng chiếc áo chiếc quần để chúng tôi gửi đi vùng cao. Năm nào, bà cũng kêu mệt thế, đau lưng lắm nhưng cứ chầm chậm một chút là lại hỏi năm nay chưa gửi đồ đi à, sắp rét rồi đấy”- chị kể và nói tiếp. “Đôi khi còn quên rằng bà là mẹ chồng mà nghĩ như mẹ đẻ. Mẹ là người mà tôi yêu thương bằng trái tim chân thành nhất. Sức khỏe của mẹ ngày một kém nhưng nghị lực thì không kém chút nào. Tôi vẫn thầm mong, mẹ khỏe mạnh, ít nhất là giữ được như bây giờ, thêm một thời gian dài, dài nữa...”.
Chị Uyên Lan vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, 14/10/2012, là sinh nhật con trai lớn tròn 5 tuổi. Đó cũng là ngày biến đổi cuộc đời chị cũng như đảo lộn hoàn toàn gia đình nhỏ của chị. Mẹ chồng chị Lan tai nạn khi đang sửa bếp. Trên cơ thể bà lúc ấy, ngoại trừ cánh tay trái thì có lẽ không còn chỗ nào không bị thương. “Tiếng còi xe cứu thương đưa mẹ vào viện thời điểm đó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài”- chị Lan kể. Để tiện chăm mẹ chồng, chị phải gửi gấp cậu con trai thứ hai, khi ấy mới 13 tháng tuổi về nhà mẹ đẻ. Cậu bé đêm nào cũng khóc ngằn ngặt vì nhớ mùi sữa mẹ.
“Mỗi lần gọi điện về nghe tiếng con khóc tim tôi như bị bóp nghẹt. Vợ chồng tôi lúc ấy chạy vạy khắp nơi lo chữa trị cho mẹ chồng, chăm bố chồng đã già, nhiều bệnh nền ở lại quê. Tất cả ập đến không báo trước, dồn dập khiến có lúc, chúng tôi không kịp trở tay…”- chị kể lại.
Suốt hơn 1 năm sau đó, để có tiền chữa trị cho mẹ, kể cả ra nước ngoài, vợ chồng chị đã bán căn nhà vừa mua bằng vay trả góp thời điểm đó. Song may mắn vẫn chưa mỉm cười, vợ chồng chị Lan vẫn phải chấp nhận sự thật rằng mẹ mình sẽ không thể trở lại như xưa, hai chân bà gần như mất cảm giác và sức khỏe xuống dốc không phanh. “Và tôi, một người con gái mộng mơ sau chuỗi ngày kiệt sức và kiệt quệ về kinh tế đó đã rơi vào trầm cảm, khi về ngoại thăm con mà con nhìn mình như người xa lạ. Công việc của hai vợ chồng dồn dập gặp khó khăn, bố mẹ già đầy bệnh tật, và khoản nợ đến kỳ phải trả...”- chị Lan nhớ lại.
Nhưng chính mẹ chồng đã vực chị dậy. Trận tai nạn kinh hoàng đó đã biến đổi con người bà từ tâm hồn cho đến sức khỏe. Mặc dù rất đau, nhưng cả quá trình điều trị, chị chưa nghe bà than dù chỉ một câu. Đêm khuya khi mọi người trong phòng bệnh đã ngủ say bà mới rên khe khẽ khi thời điểm đó bà gần như liệt nửa người dưới. Những giọt nước mắt trong đêm ấy là bởi thương con thương cháu, vì lo cho ông chồng già nhiều bệnh ở nhà và dằn vặt chính bản thân mình.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là chuỗi ngày sau khi mẹ chồng ra viện khiến chị Uyên Lan liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng. Chị từng có lúc oán thán cuộc đời, nói những lời lạnh lùng và đôi lúc muốn buông tay. “Mẹ chồng tôi cảm nhận được tất cả. Nhưng bà không một lời trách cứ, giận dỗi tôi. Bà cần mẫn tập đi từng bước nhỏ, một mình và chăm chỉ. Tôi đã bình tâm trở lại vì nghị lực ấy của mẹ mình”- chị Lan chia sẻ.
Mỗi bước đi, dù phải bám tường hoặc dùng gậy nhưng mẹ chồng chị Lan vẫn kiên trì và đặc biệt tự chăm sóc mình gọn gàng ngăn nắp đúng khí chất bác sỹ quân y của bà. Khi sức khỏe dần phục hồi, bà liền thay con dâu tự vào bếp cơm nước cho con cháu. Với bà, được đỡ đần công việc cho con cháu chính là hạnh phúc. Những bữa cơm mặc dù “không ngon” theo tiêu chuẩn hiện đại nhưng đã sưởi ấm trái tim chị Lan.
“Bà cố gắng, bà vận động, bà kiên trì để không là gánh nặng cho vợ chồng tôi. Bà làm việc nhà trong khó khăn, đôi bàn chân bấu xuống mặt đất đến thành tật vẫn kiên trì đi từng bước. Không chỉ vậy, bà vẫn chăm sóc ông mỗi lần ông đi viện, mỗi lần ốm đau mặc dù đôi chân tê bì gần như mất cảm giác để không là người thừa, để sống có ích”- chị Lan thầm cảm ơn mẹ chồng. Biến cố khủng khiếp hóa ra lại giúp mẹ chồng - con dâu chị xích lại gần nhau như thế.
Chị Uyên Lan tâm sự, nói thì nhiều người tưởng sáo rỗng nhưng thực sự thì mẹ chồng giống như mặt trời của chị, bởi nhờ có bà mà chị trưởng thành hơn, chín chắn hơn, hướng thiện hơn trong cuộc sống. Cuộc sống tử tế của chị chịu ảnh hưởng lớn từ người đàn ông bên cạnh và từ chính người mẹ chồng, mặc dù mẹ con vẫn khắc khẩu, và quan điểm sống đôi khi khác nhau do khoảng cách thế hệ. Từ một người bị thương tật cần được chăm sóc, bà lại trở thành người động viên, làm điểm tựa cho các con. Bà còn tự tay viết tâm thư, để chia sẻ, gửi gắm tình yêu của mình với con cháu. Nhờ có mẹ chồng mà chị Lan thêm yêu gia đình của mình hơn và hai mẹ con đã cùng nhau tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thiện nguyện để làm cho cuộc sống này thêm ý nghĩa”.