Ngày 4/8, chị Hoài, ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) lên mạng tìm dịch vụ xét nghiệm (test) cúm tại nhà sau khi xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu, họng rát, ho. Một ngày trước, hai đồng nghiệp của chị xác định mắc cúm A sau khi test dịch vụ, giá 300.000 đồng một người.
"Ban đầu, tôi dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nhưng không hạ sốt, càng về đêm càng đau đầu dữ dội, lại ngại đến bệnh viện vì 'dịch chồng dịch' nên tôi gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà", chị Hoài nói.
Chỉ vài phút sau, bài đăng của chị đã có vài chục người trả lời, chưa kể tin nhắn riêng. "Kit test, độ nhạy cao, thời gian đọc kết quả 15 phút. Giá 250.000 đồng/bộ cho kết quả ba trong một, xác định được cúm A,B và Covid. Nếu tự mua que về test thì chỉ 180.000 đồng", một người bán cho biết.
Trong nhóm này, hàng chục người khác cũng chào hàng nhiều loại kit test khác nhau, xuất xứ đa dạng, mua càng nhiều càng rẻ... "Mua một kit là 80.000 đồng, mua từ ba kit trở lên 60.000 đồng. Tất cả đều là test chuẩn, chuyên dùng ở bệnh viện", một tài khoản khác viết.
Trong các nhóm sỉ, người bán còn nhấn mạnh thêm mức độ nguy hiểm của bệnh, như "cúm A có tốc độ lây lan siêu nhanh, len lỏi tàn phá cơ thể, nhiều biến chứng nếu phát hiện chậm" để bán hàng.
Lo ngại mua phải sản phẩm kém chất lượng, chị Hoài quyết định gọi một đơn vị xét nghiệm uy tín đến test tại nhà, giá 300.000 đồng. Sau khi có kết quả dương tính chủng cúm A, chị được bác sĩ kê thuốc điều trị và khuyên hạn chế tiếp xúc với con nhỏ, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Cũng lo lắng khi hai mẹ con bị sốt cao ba ngày không đỡ, chị Linh (Cầu Giấy) lên mạng tìm kiếm kit test để xác định mình bị cúm hay Covid. "Cảm giác như quay lại lúc cao điểm dịch hồi tháng 3, người mua như lạc vào ma trận, không biết mua ở đâu, cái nào tốt, hàng thật hay giả", chị nói. Hầu hết người bán đều cam đoan kit test nhập chính hãng, cách xét nghiệm tương tự Covid, giá chỉ bằng một nửa tại phòng khám, không mất tiền vận chuyển. Cuối cùng, sau nhiều lần đắn đo, chị Linh đèo con ra phòng khám hô hấp gần nhà, được test nhanh với giá 80.000 một người, kèm tư vấn và đơn điều trị của bác sĩ.
Trong khi chợ online mua bán sôi động, tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội không bán dụng cụ xét nghiệm cúm A, thậm chí không nhập hàng. Trước đây, một kit chỉ từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng, nay tăng gấp đôi, gấp ba. Ngoài kit test, thuốc Tamiflu cũng cháy hàng, nhiều nơi không đủ thuốc để bán, thậm chí không dám lấy nhiều vì giá nhập cao "cắt cổ", từ 400.000 đồng một vỉ, nay lên đến cả triệu đồng, giá thay đổi từng ngày.
Chỉ cần gõ từ khóa "cúm A" hoặc "test kit cúm", người dân dễ dàng tìm được địa chỉ bán, giá đa đa dạng, miễn phí chuyển đến tận nhà. Ảnh chụp màn hình
Theo các chuyên gia, để xác định mắc cúm A, B, người dân có thể sử dụng một số phương pháp như xét nghiệm Real time RT-PCR (ngoáy họng, dịch tỵ hầu), cho kết quả trong 4-6 giờ; sắc ký miễn dịch (lấy mẫu từ mũi họng) có kết quả chỉ sau 10-15 phút. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đến bệnh viện làm các xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ, xét nghiệm chức năng gan, thận, chụp X-quang tim phổi để chẩn đoán các biến chứng cúm A nếu có dấu hiệu nặng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, không cần thiết phải test nhanh cúm A tại nhà. Lý do đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, có thể tự khỏi. Khi sốt quá cao, kéo dài, cần loại trừ mắc sốt xuất huyết, người dân mới nên test.
Ngoài ra, khi tự test nhanh tại nhà, nếu thực hiện sai thao tác sẽ dẫn đến sai kết quả, gây lãng phí. Người nguy cơ cao như lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc nhiều bệnh nền, phụ nữ mang thai... nên tới cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra chính xác.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng tự test tại nhà dẫn đến hiện tượng âm tính giả hoặc dương tính giả, từ đó chẩn đoán và điều trị sai, gây nguy hiểm sức khỏe. Ngoài ra, test cúm chỉ là một xét nghiệm cơ bản, không đánh giá được toàn trạng người bệnh. Tại bệnh viện, test cúm bên cạnh các xét nghiệm khác giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả và chính xác hơn để đưa ra phác đồ phù hợp.
"Do đó người bệnh không nên tốn tiền vào các chi phí không cần thiết, cũng không nên quá hoảng loạn khi có triệu chứng", bác sĩ nói.
Que tăm bông từ dụng cụ test nhanh Covid - cúm. Ảnh: Bloomberg
Theo các bác sĩ, tình trạng người dân đổ xô mua kit test hay mua thuốc Tamiflu chủ yếu do tâm lý hoang mang. Lợi dụng điều này, các cá nhân và đơn vị có thể đẩy cao giá, tạo tâm lý khan hiếm, gây hại cho người dân. Chưa kể, nhiều kit test trôi nổi, không đảm bảo chất lượng có thể chẩn đoán nhầm bệnh.
Hiện, cả nước lưu hành chủ yếu chủng cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B, là những chủng đã có vaccine dự phòng. Hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Số bệnh nhân đến bệnh viện tuyến cuối khám cúm tăng, song đa số nhẹ, không có trường hợp tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, cúm A diễn biến lành tính, hồi phục 2-7 ngày. Các trường hợp sổ mũi nhẹ, đau đầu hoặc có các biểu hiện viêm đường hô hấp nhẹ có thể tự điều trị và theo dõi tại nhà bằng các thuốc như hạ sốt, oresol, bổ sung vitamin... Riêng trẻ nhỏ, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát sao hơn.
Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tích trữ thuốc tại nhà.
Khi xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... cần đến viện ngay.
*Tên nhân vật được thay đổi