Học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 132 nghe giới thiệu về Trường Dục Thanh, tỉnh Bình Thuận.
Với phương châm “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn”, thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động nghiên cứu thực tế, nhà trường rất quan tâm việc tổ chức cho các lớp tham quan di tích lịch sử cách mạng nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho học viên.
Năm 2022, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau tổ chức cho Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 125 tham quan nhà tù Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, học viên được tham quan, tìm hiểu hệ thống nhà tù được gọi là “Địa ngục trần gian”.
Học viên Trần Bửu Luân, lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho biết: “Chuyến đi thực tế tại Côn Đảo đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc khó tả về sự hy sinh cao cả của các bậc cha ông đi trước. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng người tù cách mạng với lòng dũng cảm, kiên cường đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ non sông đất nước Việt Nam tươi đẹp như hôm nay”.
Tháng 2/2023, Lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 132 thực hiện hành trình tham quan thực tế tại tỉnh Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh. Tại tỉnh Bình Thuận, đoàn học viên tham quan di tích lịch sử Trường Dục Thanh.
Tại đây, học viên có thêm những hiểu biết về cuộc đời cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ nếp sống giản dị, chân thật, đến lòng yêu nước, thương dân và đặc biệt là hình ảnh người thầy giáo trẻ hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.
Thầy Lê Minh Đồng, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Nghiên cứu thực tế là hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với giảng viên và học viên trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Qua thời gian cùng đoàn đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Thuận tôi đã thu được nhiều giá trị to lớn từ thực tiễn địa phương mà đoàn đã dừng chân và đi qua.
Sau khi đoàn tham quan các di tích lịch sử cách mạng, cán bộ, giảng viên và học viên có thêm những nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, thấy được những hy sinh mất mát của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, bản thân càng tự hào và càng có quyết tâm cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương đất nước nhiều hơn”.
Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu thực tế tại địa đạo Củ Chi, học viên Phạm Hồng Thắm, lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 132 cho biết: “Khi bước xuống từng đoạn hầm ngắn mới cảm nhận được hết nỗi cực khổ của cha ông. Để tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, là một giáo viên, tôi sẽ nêu cao trách nhiệm của mình, đẩy mạnh phong trào yêu nước bằng cách thực hiện nhiều hoạt động tham quan di tích lịch sử cách mạng cho học sinh để giáo dục các em lòng yêu nước, có thêm kiến thức về truyền thống cách mạng của dân tộc”.
Học viên tham quan di tích Đền Bến Dược, huyện Củ Chi, TPHCM.
Học viên Nguyễn Phú Hưng, học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 132 cũng chia sẻ: “Tham quan các di tích lịch sử cách mạng trong chuyến đi thực tế tại tỉnh Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh là hoạt động vô cùng ý nghĩa.
Sau chuyến đi, tôi hiểu sâu sắc hơn về lòng yêu nước và sự hy sinh, mất mát lớn lao của cha ông trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Tôi nhận thấy, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước là rất quan trọng. Lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước giúp cho thế hệ trẻ có đủ phẩm chất đạo đức để tiếp nối truyền thống”.
Trao đổi về định hướng giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho học viên, thầy Đặng Trí Thủ - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau cho biết: “Thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Một trong những điểm đến là các di tích lịch sử cách mạng. Vì đây là “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng rất hiệu quả cho học viên. Học viên đến tham quan nơi đây hiểu rõ hơn về sự hy sinh của các thế hệ đi trước, từ đó càng ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước”.