Còn một cánh tay, cái ôm của mẹ vẫn tròn đầy

10/12/2022 09:11
Chị Lê Thị Kim Trâm (sinh năm 1979) từng có một tổ ấm và nghề cắt tóc để mưu sinh. Năm 2016, tai họa bất ngờ giáng xuống trong khi chị đi xe máy từ TPHCM xuống Đồng Nai.

 

“Đường xấu, gồ ghề nhiều đá sỏi, chiếc xe đang bon thì bỗng trượt ngã. Cả người và xe tôi đều nằm sõng soài trên đường. Sau đó một chiếc xe ben lớn chạy đến, tôi bị nghiến mất một cánh tay”, chị Trâm nhớ lại.

Hơn một tháng sau, mặc dù bác sĩ tận tình chữa trị và cập nhật tình hình sức khỏe nhưng chị không dám nhìn vào chỗ cánh tay đã mất, không tin vào sự nghiệt ngã của số phận.

“Quê tôi ở Khánh Hòa, gia đình khó khăn vì con. 15 tuổi, tôi nghỉ học vào TPHCM kiếm sống. Sau đó, tôi lấy chồng, sinh được một trai một gái. Trước khi mở tiệm theo nghề hớt tóc gia truyền, tôi làm nghề “thợ đụng”. Nghĩa là đụng đâu làm đó, làm gì có tiền là tôi làm: giữ trẻ tại nhà, bán rau câu, chả cá, dừa tươi…

Thân hình nhỏ bé nhưng có những ngày tôi phải chở gần trăm trái dừa. Dưới chân cầu Đen, giữa cái nắng nóng hơn 400C, tôi kiên trì bán dừa để có tiền lo cho các con ăn học. Ở thành phố, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, tôi có hai bàn tay để bươn chải, vậy mà bất ngờ chỉ còn một. Làm sao tôi có thể tin mình vẫn có thể xoay xở”, chị Trâm phân trần.

“Nhưng chị có chồng, anh ấy sẽ nỗ lực gấp đôi để lo cho mẹ con chị chứ?”, tôi thắc mắc. Chị buồn bã tiếp: “Sau khi tôi sinh con, anh ấy lảng dần trách nhiệm làm chồng, làm cha. Sau vài tháng tôi bị tai nạn, ảnh đã đòi ly hôn”. Chị kể rằng chồng chị đã hối: “Cô ký vào đơn để giải thoát cho tôi”. Khi ấy chồng chị muốn lấy người khác…

Mất mát một phần cơ thể, chị vượt qua được nhưng nỗi đau bị người chồng bỏ rơi, phản bội đánh gục chị trong nhiều ngày.

Còn một cánh tay, cái ôm của mẹ vẫn tròn đầy

Ba mẹ con dựa vào nhau cùng vượt qua nghịch cảnh

Chị nhớ lại: “Nhiều đêm, khi các con đã ngủ, tôi trở dậy thở ra nặng nhọc. Tôi vào nơi đô thị đã vất vả, không nhà cửa, người thân, giờ chồng cũng bỏ đi, tay cũng không còn đủ đôi để làm việc. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc mãi mãi.

Nhưng tôi nhớ lại lúc ở tòa, khi nghe thẩm phán hỏi chọn ở với ai, các con tôi nói: “Chúng con muốn sống với mẹ. Dù mẹ khiếm khuyết nhưng bên mẹ chúng con thấy an toàn”. Tôi đã níu mình vào câu nói ấy dần dần đứng lên. Để nuôi con, tôi phải nỗ lực gấp bảy, tám lần”.

Tập cắt tócbằng một tay

Với nghề cắt tóc, để tóc rơi xuống, người thợ cần có một tay giữ tóc, chải tóc ngược lên, một tay khác cầm kéo cắt đi tóc thừa. Nhưng chị Trâm chỉ còn một tay phải. Cuối cùng chị cũng tìm được cách để tiếp tục hành nghề: Chị chia năm ngón của bàn tay làm hai nhóm, đảm nhận hai nhiệm vụ khác nhau. Ngón cái, trỏ và giữa cầm kéo, hai ngón còn lại giữ tóc.

Nghĩ thì đơn giản, khi thực hiện lại vô cùng khó khăn. Chị kể: “Tôi phải linh hoạt, hành động thật nhanh. Trong thời gian chưa đầy một giây, khi hai ngón út và áp út vừa nhả tóc ra thì cây kéo phải lập tức nhập cuộc liền. Tôi tập một tháng thì quen dần. Trước đây một kiểu tóc đơn giản tôi cắt 15 phút, bây giờ phải hơn nửa tiếngmới xong”.

Căn trọ chị thuê ở số 74/1B đường Nguyễn Cừ, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức được ngăn làm hai, gác xép phía trên để ở, phía dưới chị đặt biển hiệu “Hớt tóc Nghi Nghiêm” (Nghi và Nghiêm là tên hai người con của chị).

Những ngày đầu mở tiệm trở lại, chị đón những vị khách quen. Khi chị chưa gặp sự cố, họ đã gắn bó, tìm tới chị cắt tóc. Khách hàng muốn hợp tác, giúp đỡ bà chủ tiệm nhưng chị Trâm lại tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Vì thiếu tự tin nên chị mặc những tấm áo lùng nhùng nhằm che cánh tay đã mất. Chính điều này làm trở ngại công việc của chị.

Thời gian trôi qua, cùng với sự hỗ trợ của nhiều khách hàng ruột, chị dần cân bằng trở lại. Chị kể: “Những ngày đầu cắt tóc bằng một tay, tôi biết mình cắt chậm, chưa đẹp. Khách ra khỏi tiệm có thể phải vào một tiệm khác để chỉnh sửa, nhưng không hiểu sao mọi người vẫn cứ đến. Sau mười ngày, nửa tháng, khi tóc chưa đủ dài họ vẫn quay lại.

Mãi sau này, tôi mới biết họ muốn giúp tôi có mẫu thử để rèn luyện, trau dồi tay nghề. Họ biết tôi không có tiền mua tóc giả để tập”.

Bây giờ, chị không những cắt tóc, tạo mẫu tóc, mà gội đầu, cạo mặt chị cũng thực hiện thuần thục. Để cạo mặt, chị sẽ dùng chân để bỏ lưỡi lam vào dao cạo, còn khi gội đầu, chị sẽ để khách nằm xuống, tựa đầu vào bồn rồi dùng miệng ngậm ngang vòi nước, bàn tay độc nhất để cào da đầu.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng cũ vì quý mến, trân trọng nghị lực và tay nghề của chị mà không ngần ngại giới thiệu thêm khách mới. Tiệm từ đó dần đông khách và ổn định hơn. Chị thấm thía câu nói, chỉ cần bản thân không bỏ cuộc, thì không ai cô đơn giữa thành phốnghĩa tình.

Còn một cánh tay, cái ôm của mẹ vẫn tròn đầy

Rất nhiều khách hàng ủng hộ bà chủ tiệm ngay cả khi chị Trâm cắt chưa khéo

Mẹ là cây hoa đẹp và kiên cường

Năm ngoái, dịch bùng phát, tiệm đóng cửa. Sau dịch, tiệm vẫn vắng. Mấy tháng liên tục, chị Trâm không có tiền đóng tiền nhà, phải vay mượn khắp nơi. Bế tắc, chị buột miệng với con gái: “Con kiếm việc làm phụ mẹ chứ mẹ đuối lắm rồi”. Cô con gái đang học cấp III động viên mẹ: “Mẹ ráng thêm một thời gian nữa, con kiếm chữ, mẹ kiếm tiền.

Chúng ta cùng cố gắng để con có tấm bằng, sau này xin việc đỡ vất vả hơn”.

Sự ham học của con khiến chị không thể buông xuôi. Chị liều vay mượn tiền bạn bè, mua máy móc để mở thêm dịch vụ giặt ủi. Mỗi ngày, cắt tóc xong, chị quay sang giặt là, phân loại áo quần.

Con gái Chiêu Nghi và con trai Lê Nghiêm ngoan ngoãn, hiểu chuyện và tự lập. Hết giờ học, Chiêu Nghi đi chợ, nấu ăn. Khi đông khách, cô phụ mẹ, và học nghề. Cậu út hay làm shipper, chạy đi nhận thức ăn, quần áo của người ta cho mấy mẹ con.

Chiêu Nghi tự hào nói về mẹ: “Đối với con, mẹ chính là tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mẹ hiếm khi nói về khó khăn, nghịch cảnh hay những cố gắng của mình, nhưng nhìn hành động của mẹ là tụi con hiểu hết.Trong mắt con, mẹ như cây hoa xinh đẹp, luôn kiên cường bám rễvươn lên”.

Diệu Thông

     
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Còn một cánh tay, cái ôm của mẹ vẫn tròn đầy - Đời Sống