Theo thống kê Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất khu vực với khoảng 10-15% dân số. Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước đang có khoảng 10 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.
Tỷ lệ viêm gan virus tại Việt Nam cao cho nên hiện nay người Việt đang phải đối mặt với gánh nặng của căn bệnh ung thư gan.
GS. Nguyễn Chấn Hùng cho hay: "Điều đáng lo ngại nhất là đa phần các trường hợp không biết mình mang viêm gan virus. Virus viêm gan B và virus viêm gan C gây ra tình trạng viêm gan mãn tính. Viêm gan mãn tính kéo dài chỉ sau một thời gian từ 10-15 năm sẽ dẫn tới xơ gan và tiến triển thành ung thư gan. Hiện nay, trên thế giới virus viêm gan B còn "giết người" nhiều hơn của virus HIV.
Người có virus viêm gan B hoặc C nếu uống rượu thường xuyên sẽ càng "đốt cháy" giai đoạn tiến triển thành xơ gan và ung thư gan".
Ung thư gan đang là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam.
Hiện nay, đã có thuốc điều trị viêm gan C và vắc xin để tiêm phòng viêm gan B. Khi tránh được viêm gan sẽ ngăn ngừa được ung thư gan. Người bị viêm gan cần phải điều trị và kiểm soát, không được thờ ơ. Đối với người có sức khỏe bình thường thì nên đi khám sức khoẻ, kiểm tra chức năng gan định kỳ 6 tháng/ lần.
Một trong những "thủ phạm" khác gây ra căn bệnh ung thư được Chủ tịch Hội ung thư nhắc tới đó là virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. HPV còn có thể gây ung thư vòm họng, bao gồm cả gốc lưỡi và amydal (ung thư vùng miệng hầu).
GS. Chấn Hùng cho hay, ung thư cổ tử cung là căn bệnh mắc đứng đầu ở phụ nữ. Nhưng hiện nay nhờ ý thức người dân nâng cao đi khám phụ khoa định kỳ, thử tế bào âm đạo nên phát hiện ngay ở giai đoạn tiền ung thư.
Để phòng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, vị chuyên gia này lưu ý nên tiêm phòng vắc xin cho cả nam và nữ trong độ tuổi 11 đến 12 tuổi hoặc trước 26 tuổi và chưa có quan hệ tình dục. Liệu trình tiêm vaccine này gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng.
Theo GS. Chấn Hùng, bên cạnh virus thì cũng có những loại vi khuẩn là nguyên nhân có thể gây ra ung thư dạ dày. Vi khuẩn xoắn HP là yếu tố nguy cơ lớn nhất trong căn bệnh ung thư dạ dày. Đặc biệt là ung thư dạ dày 1/3 dưới (hang môn vị) loại ung thư gặp phổ biến tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật thì tỷ lệ nhiễm HP vào khoảng 55% đến 75%.
Các nghiên cứu đã chỉ ra vi khuẩn HP chui sâu vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra chất trung hòa axit HCl, làm tan chất nhầy khiến cho các chất ung thư tiếp xúc trực tiếp với tế bào niêm mạc dạ dày gây tổn thương.
"Nếu bị viêm loét lâu ngày có vi khuẩn HP và không phát hiện dễ dẫn tới ung thư dạ dày. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp có vi khuẩn HP đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Vi khuẩn HP có rất nhiều chủng loại khác nhau, nhưng chủng mang gen CagA có khả năng gây bệnh cao nhất.
Để phòng ngừa nguy cơ ung thư, nếu thấy hơi đau dạ dày cần đi khám, phát hiện có HP thì cần phải điều trị. HP đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh phối hợp".