Chánh tòa gia đình kể chuyện… ly hôn: Kỳ 1

24/11/2023 08:09

Gần 30 năm trong nghề, trong đó có 23 năm làm thẩm phán, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, bà Lê Thị Dung, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên (Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa) đã dành trọn một buổi để kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện “bếp núc”, những “góc khuất” phía sau những vụ ly hôn.

Từng làm thư ký rồi thẩm phán tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa trước khi chuyển công tác về tòa án tỉnh, giữ vai trò thẩm phán ở hầu hết các tòa chuyên trách như hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế (cũ), bà Lê Thị Dung cho biết, gần 30 năm trong nghề, thụ lý hàng ngàn vụ việc liên quan đến gia đình, ly hôn nhưng không câu chuyện nào giống câu chuyện nào, cho dù lý do của đương sự đều là… không hợp nhau.

Điệp khúc… không hợp nhau

Hầu hết các đơn ly hôn gửi đến tòa án, lý do nguyên đơn đưa ra đều là không hợp nhau. Có những trường hợp đi cùng nhau gần trọn cuộc đời, con cháu đề huề, hai người mới… phát hiện ra không hợp nhau. Những trường hợp như thế, bao giờ tòa cũng yêu cầu trình bày rõ lý do không hợp nhau cụ thể như thế nào, xuất phát từ nguyên nhân gì? Nếu lý do ly hôn không thuyết phục, tòa có thể bác đơn của người xin ly hôn.

Chánh tòa gia đình kể chuyện… ly hôn: Kỳ 1

Thẩm phán Lê Thị Dung kể, có những vụ ly hôn mà lý do chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình như vợ mắc bệnh nói nhiều hay chồng nóng tính, cục cằn, thậm chí chỉ sau một cuộc cãi vã do bất đồng quan điểm. Những vụ như thế, theo bà Dung, chỉ cần biết cách hòa giải, gương vỡ sẽ lại lành. Nhiều cặp vợ chồng đã “xé đơn” ly hôn sau khi được tòa giải thích, hòa giải, thậm chí cảm thấy trân trọng, yêu thương cuộc sống gia đình hơn.

Cũng có trường hợp, nhất là những cặp vợ chồng trẻ, vẫn còn yêu nhau nhưng viết đơn ly hôn với mục đích bên này dọa bên kia. Hoặc có vụ người vợ đưa con ra để gây áp lực với chồng và nhà chồng để phục vụ ý đồ cá nhân. Theo thẩm phán Dung, những người cầm cân nảy mực lĩnh vực hôn nhân gia đình phải có con mắt tinh đời để nhận diện được lý do thực sự của các cuộc chia tay. Vụ nào bác đơn, vụ nào hòa giải, vụ nào phải giải quyết cho ly hôn đều phải xem xét rất kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý.

Khi còn làm thẩm phán tòa án thành phố Thanh Hóa, bà Dung ám ảnh mãi một vụ ly hôn mà lý do xuất phát từ người chồng nghiện rượu nặng. Mỗi lần tòa mời lên hòa giải, anh chồng đều trong trạng thái người nồng nặc mùi rượu rồi mạt sát vợ bằng những lời lẽ cay độc. Cho rằng, vợ mình lắm lời nên gia đình mới bất hòa, ngay tại phiên hòa giải, ông ta đã cầm một chiếc cốc thủy tinh ném về phía vợ. Rất may, người vợ né kịp nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Chiếc cốc bay trúng vào tường, vỡ nát, những miếng mảnh thủy tinh vương vãi khắp phòng. Thẩm phán Dung khi đó đang mang thai đã trải qua một phen kinh hồn bạt vía.

Theo bà Dung, những vụ như thế không thể tuyên truyền hay hòa giải. Việc giải quyết cho ly hôn là cách tốt nhất để cứu lấy người phụ nữ đang bị bạo hành nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần.

Chia tay vì chuyện phòng the không hợp

Thẩm phán Lê Thị Dung cho hay, lý do vợ chồng lôi nhau ra tòa muôn hình vạn trạng. Dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng các trường hợp ly hôn do không hòa hợp tình dục ngày nay không hiếm gặp.

Một ngày nọ thẩm phán Dung tiếp một cô gái ngoài 30 tuổi đến trình bày lý do xin ly hôn. Như các vụ việc khác, “công thức” lý do đều là… không hợp nhau. Lựa lời bắt chuyện, bằng các biện pháp nghiệp vụ, nữ thẩm phán đã khiến cô gái nọ đã tiết lộ sự thật rằng, cô lấy chồng đã nhiều năm nhưng người chồng không thể quan hệ tình dục do bộ phận sinh dục quá… bé. Nguyên đơn thậm chí còn dùng ngón tay út để minh họa cho nữ thẩm phán dễ hình dung về… “cái ấy” của chồng mình rồi ví von là ỉu xìu như… tàu khoai phơi nắng. Người vợ đã bao đêm ôm gối khóc một mình vì khát khao hạnh phúc và giấc mơ được làm mẹ không thành.

Thẩm phán Dung nói khi gặp những trường hợp rất tế nhị như thế, cán bộ thụ lý vụ việc cũng phải hết sức khéo léo, tế nhị, phải làm bạn với đương sự để thấu hiểu họ. Trường hợp người vợ ở đây được người chồng rất yêu thương, chiều chuộng, kinh tế khá ổn nhưng ngặt nỗi không thể làm… đàn ông.

“Thông thường những vụ việc tế nhị như thế, lý do thực sự chúng tôi không ghi vào bản án để tôn trọng sự riêng tư của gia đình họ. Hôm giải quyết ly hôn xong, cả hai vợ chồng khóc rất nhiều nhưng họ đều hiểu rõ căn nguyên nên ứng xử rất văn minh”, thẩm phán Dung kể lại.

Chánh tòa gia đình kể chuyện… ly hôn: Kỳ 1

Ly hôn do một trong hai người yếu sinh lý đã đành nhưng chia tay do chồng, hoặc vợ quá khỏe “chuyện ấy” quả là hy hữu. Thẩm phán Lê Thị Dung cho biết, trong số hàng trăm vụ án liên quan đến ly hôn mà bà từng trực tiếp thụ lý, có một vụ nữ thẩm phán nhớ mãi bởi những tình tiết vừa hài vừa bi. Hài là bởi lý do thực sự mà người vợ “tố” chồng mình quá khỏe chuyện chăn gối. Bi là bởi vì chồng quá khỏe nên vợ không thể đáp ứng nổi. Vợ chồng từ chuyện giường chiếu không hòa hợp dẫn đến ra vào “đá thúng đụng nia” buộc phải lôi nhau ra tòa.

“Khi tiến hành hòa giải những vụ việc ly hôn liên quan đến sức khỏe tình dục, chúng tôi khuyên hai vợ chồng nên đi điều trị vì có thể người chồng bị bệnh lý về nam học. Khoa học bây giờ phát triển, xã hội cũng cởi mở hơn trong quan niệm về tình dục. Tuy nhiên, đàn ông ở ta vẫn ngại khi nhắc đến chuyện đó, thậm chí tìm cách giấu diếm nên không có kết quả. Điều đáng nói là cả hai người đàn ông, một yếu sinh lý và một quá khỏe sau đó đều kết hôn với người khác. Có lẽ họ tìm được người phù hợp hoặc tình yêu mới đủ lớn để họ có thể vượt qua những khiếm khuyết về sinh lý”, thẩm phán Dung nhận xét.

“Xin tòa cho tôi một đặc ân là bỏ… ông ấy”

Một ngày đẹp trời, thẩm phán Lê Thị Dung tiếp một bà lão đã ngoài 70. Tóc bạc, da mồi, lưng hơi còng, giọng nói thều thào có vẻ như cuộc sống của bà đã trải qua nhiều vất vả. Bà đến tòa cầm theo lá đơn xin ly hôn người chồng đã ngót 80 và có nửa thế kỷ đầu ấp tay gối. Tuy không nói rõ lý do nhưng có thể hiểu, bà đã phải chịu đựng chồng mình quá lâu, đến mức không thể chịu đựng thêm nữa nên chỉ xin tòa cho ly hôn ngay lập tức.

Chánh tòa gia đình kể chuyện… ly hôn: Kỳ 1

“Trước khi chết, tôi chỉ có một mong muốn là được ly hôn ông ấy. Xin tòa coi đó như một ân huệ cuối cùng đối với bà già này”, bà cụ nước mắt ngắn nước mắt dài cầu xin. Thẩm phán Dung cho biết, ở Việt Nam tỷ lệ người già ly hôn không nhiều do ngại điều tiếng. Chính vì thế nên khi có một vụ người cao tuổi xin ly hôn, việc hòa giải khá thuận lợi.

“Chúng tôi mời con của các cụ đến để tìm hiểu lý do tại sao bố mẹ họ lại lôi nhau ra tòa ở cái tuổi xế chiều. Cả 2 người con đều khẳng không có mâu thuẫn gì lớn, chỉ là sự thay đổi tâm tính của người già theo kiểu mỗi người một quan điểm trong cuộc sống hằng ngày dẫn đến cãi vã không thể dung hòa được.

Vụ này chúng tôi phải “dọa” hai ông bà là nếu ly hôn, con cái họ sẽ mang tiếng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, công việc…rồi xóm làng, phố phường lời ra tiếng vào…Giải pháp cuối cùng là hai ông bà không sống cùng nhau mà chia ra ở với hai người con”, thẩm phán Dung chia sẻ.

-> Mời quý độc giả đọc Kỳ 2 - Hệ lụy khi chiếc giường hạnh phúc chia đôi-> Con trai tôi đã cứu vãn một cuộc hôn nhânQuang DuyTags:chánh tòa gia đình, lý do ly hôn, nguyên nhân ly hôn, mâu thuẫn hôn nhân,

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Chánh tòa gia đình kể chuyện… ly hôn: Kỳ 1 - Đời Sống