Ngày 9/8, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết kết quả này thực hiện trên 30 bệnh nhân nội trú và người đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp giải trình tự gene virus, nửa cuối tháng 7.
Theo bác sĩ Châu, kết quả giám sát biến chủng nCoV tại cộng đồng từ đầu năm đến nay ghi nhận biến chủng BA.2 của Omicron chiếm ưu thế trong những tháng đầu. Vài tuần gần đây, chủng BA.5 xuất hiện và bắt đầu tăng nhanh dần, sau đó chiếm tỷ lệ vượt trội, đồng thời phát hiện thêm cả biến chủng phụ BA.2.12.1.
"BA.5 được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước như BA.1, BA.2", bác sĩ Châu phân tích. Về độc lực và độ gây bệnh nặng, đến nay chưa có bằng chứng khẳng định BA.5 cao hơn. Một số nơi ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân nhiễm BA.5 nhập viện cao, song biến chủng cũ xuất hiện lúc đa số người dân vừa tiêm vaccine, miễn dịch còn cao, trong khi hiện nay miễn dịch đã suy giảm nên chưa thể so sánh được.
Thời gian gần đây, số ca Covid-19 tại TP HCM có xu hướng tăng. Tuần qua, thành phố ghi nhận trung bình 144 ca mắc mới mỗi ngày, cao hơn 10 ca so với trung bình tuần trước. Tương ứng số ca mắc mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng, với trung bình 35 ca nặng mỗi ngày (trung bình tuần trước là 18). Hiện, 7 bệnh nhân nặng phải thở máy xâm lấn tại các bệnh viện.
Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Vài ngày trước, Bộ Y tế ghi nhận biến chủng BA.5 của Omicron xâm nhập nhiều tỉnh thành khác như Bình Dương, Tiền Giang, Hà Nội, Cần Thơ. Theo Cục Y tế dự phòng, biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2 - là chủng chủ yếu gây ra làn sóng Covid-19 tại Việt Nam hồi tháng 3. Cục này dự báo, thời gian tới, trong nước có thể ghi nhận nhiều hơn ca nhiễm biến chủng mới và số mắc sẽ tăng trở lại, khiến ca nhập viện và chuyển nặng tăng.
Thực tế, số nhiễm toàn quốc đã tăng cao kể từ cuối tháng 7 đến nay. Liên tiếp ba ngày 2-3-4 tháng 8, cả nước ghi nhận thêm hơn 2.000 F0 mỗi ngày. Ngày 9/8, cả nước ghi nhận 2.340 ca Covid.
Trong bối cảnh số ca mắc và ca nặng tăng, TP HCM đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là ở trẻ em. Sau một tuần phát động tháng cao điểm tiêm vaccine ở trẻ, số lượt tiêm tăng cao so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Một số phụ huynh còn tâm lý e ngại tác dụng phụ, chưa thấy sự cần thiết của việc tiêm vaccine trong phòng bệnh Covid-19 cho trẻ.
Các chuyên gia cho rằng BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc, tạo ra làn sóng dịch nhưng làn sóng này sẽ nhỏ hơn những đợt dịch trước đây, số tử vong sẽ ít vì đa số người dân đã tiêm vaccine. Theo phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, nhiều người nghĩ nếu đã từng nhiễm biến chủng Omicron sẽ có miễn dịch tốt, không cần tiêm mũi 4. Thực tế, điều này không đúng.
Các nghiên cứu cho thấy khi nhiễm Omicron BA.1, nếu chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Nếu nhiễm BA.1 sau khi đã tiêm chủng, kháng thể sẽ bảo vệ chống lại chính BA.1 tốt nhưng chống lại BA.4 và BA.5 rất kém. "Cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch BA.5", ông Dũng nói.
Trên thế giới, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại tại nhiều nơi do biến chủng BA.5 lây lan mạnh mẽ. Mỹ và châu Âu, một số nước châu Á đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm tăng hàng nghìn mỗi ngày. Tuy nhiên, các nước đều ghi nhận số ca nặng và tử vong không tăng mạnh như các làn sóng năm 2020-2021. Do đó, hầu hết chính phủ khuyến cáo người dân tiêm vaccine liều nhắc lại và đeo khẩu trang, không áp đặt các biện pháp chống dịch hà khắc như trước.
Lê PhươngTrở lại Sức khỏeTrở lại Sức khỏeChia sẻ ×