45 năm xây dựng và phát triển khoa Sinh

14/12/2022 11:13
Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp là một trong những đơn vị dẫn đầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

 

Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có Quyết định chính thức đào tạo tại Xuân Hòa - Phúc Yên - Vĩnh Phúc năm 1977, đến nay vừa tròn 45 năm xây dựng và phát triển.

Trải qua 45 năm phấn đấu đầy khó khăn và thách thức, cùng với sự phát triển của nhà trường, khoa đã khẳng định được uy tín, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho đổi mới giáo dục phổ thông và cho cộng đồng.

Khoa là một trong những đơn vị dẫn đầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Khi mới thành lập, khoa chỉ có 15 viên chức, đến năm 2004, khoa đã có 52 viên chức với 5 tổ chuyên môn: Thực vật, Động vật, Phương pháp giảng dạy và Di truyền, Kỹ thuật nông nghiệp, Hóa học (năm 2004 tổ Hóa học đã được tách riêng thành khoa Hóa học).

Hiện nay, đội ngũ viên chức của khoa có 24 người theo ngạch viên chức gồm: Giảng viên cao cấp: 2; Giảng viên chính: 12; Giảng viên: 5; Chuyên viên: 2; Kỹ thuật viên: 3. Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, Tiến sĩ: 2; Tiến sĩ: 9; Thạc sĩ: 10 (2 nghiên cứu sinh trong nước và 3 nghiên cứu sinh ở nước ngoài); Cử nhân: 3. Đặc biệt, khoa có 1 Nhà giáo ưu tú.

Ngoài ra, khoa có 3 viên chức ở đơn vị khác trong trường tham gia sinh hoạt chuyên môn (Tiến sĩ, giảng viên cao cấp Cao Bá Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Tiến sĩ, giảng viên chính Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm; Tiến sĩ, giảng viên chính La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng).

Khoa có 4 bộ môn gồm: Thực vật; Động vật ; Di truyền và Công nghệ sinh học; Công nghệ nông nghiệp và Phương pháp dạy học sinh học.

45 năm xây dựng và phát triển khoa Sinh

Viên chức khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp năm học 2022-2023.

Trong 45 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp đã có 5 giảng viên được phong học hàm phó giáo sư, 04 giảng viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhiều giảng viên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trong và ngoài nước thuộc các chuyên ngành: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật sinh dược học, Sinh lý học thực vật, Thực vật học, Vi sinh vật học, Sinh thái học, Di truyền học, Hóa sinh học, Côn trùng học, Bảo vệ thực vật,...

Nhờ đó mà trình độ và chất lượng của đội ngũ viên chức, giảng viên ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Hiện tại, khoa còn có 5 giảng viên đang nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài. Với nguồn nhân lực này, trong tương lai không xa, khoa có đủ điều kiện mở thêm một số ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo định hướng phát triển của Khoa đến năm 2030.

Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp hiện đang đảm nhiệm đào tạo cả bậc đại học và sau đại học. Đối với đào tạo đại học, khoa đang có 1 ngành: Sư phạm Sinh học; khoa đang xây dựng mới 2 chương trình đào tạo (Sư phạm Khoa học tự nhiên, Cử nhân Công nghệ sinh học) và dự kiến sẽ bắt đầu đào tạo từ năm học 2023-2024.

Đối với bậc sau đại học, khoa đang đào tạo 2 chuyên ngành thạc sĩ (Sinh học thực nghiệm; Sinh thái học) và 1 chuyên ngành tiến sĩ (Sinh lý học thực vật).

Ngoài hệ chính quy, Khoa còn đào tạo hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học, hệ vừa làm vừa học tại các địa phương, đào tạo/bồi dưỡng giáo viên cho các trường phổ thông,...

Khoa luôn tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo: chương trình đào tạo tiên tiến, thiết kế theo định hướng phát triển năng lực của người học, gắn lý thuyết với thực tiễn, thực hành, đáp ứng đổi mới giáo dục - đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có trách nhiệm trong công việc, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá người học,…

Vì vậy, chất lượng người học của khoa luôn được đảm bảo, người học sau khi tốt nghiệp được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao và nhanh chóng khẳng định được năng lực làm việc. Tính đến hết năm học 2021-2022, khoa đã đào tạo được trên 5.200 cử nhân Sư phạm Sinh học, Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp và cử nhân Sinh học hệ chính quy, gần 1.000 cử nhân Sư phạm Sinh học hệ vừa làm vừa học, trên 200 thạc sĩ.

Giờ thực tập thực tế của sinh viên khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp.

Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng là một trong những thế mạnh của khoa. Ở hầu hết các thời kỳ phát triển, khoa luôn có đội ngũ các nhà khoa học say mê, tâm huyết và dồi dào năng lực trong nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

Nhận thức rõ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một trong những thành tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và là khâu đột phá để phát triển và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giảng viên, viên chức trong khoa luôn tích cực và sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng đến công nghệ cao.

Giảng viên và viên chức trong khoa đã tham gia các đề tài khoa học cấp Nhà nước; chủ nhiệm và tham gia các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm, đề tài hợp tác song phương, các dự án nghiên cứu triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ, đề tài khoa học công nghệ ưu tiên cấp cơ sở; công bố các kết quả nghiên cứu trên các Tạp chí, Hội nghị, Hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thực hiện các công trình nghiên cứu.

Hiện nay, khoa có 4 nhóm nghiên cứu mạnh đang hoạt động hiệu quả: Nhóm nghiên cứu sinh lý học thực vật và công nghệ sinh học thực vật (Plant physiology and Plant biotechnology Reseach Group); Nhóm nghiên cứu về kỹ thuật y sinh dược học (Biomedical and Pharmaceutical Engineering Research Group); Nhóm nghiên cứu vi sinh vật học và ứng dụng (Microbiology an Application Reseach Group); Nhóm nghiên cứu phương pháp hiện đại trong dạy học bộ môn Sinh học (Modern method for teaching biology Reseach Group).

Bên cạnh công bố các nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khoa cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Hội thảo, Hội nghị khoa học chuyên ngành.

Đặc biệt năm 2020, Hội nghị khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ IV lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Khoa là một trong các đơn vị tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác tổ chức, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Tiến sĩ Bùi Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (thứ nhất từ trái sang) chúc mừng Hội nghị khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ IV.

Viên chức và giảng viên trong khoa đã và đang tham gia tích cực và có chất lượng trong các hoạt động nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (biên soạn tài liệu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cơ sở giáo dục của nhiều tỉnh thành trong cả nước; tập huấn giáo viên trong đổi mới giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo,…).

Bên cạnh đó, từ năm học 2016-2017 đến nay, khoa đã tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, giáo dục STEM, trại hè cho học sinh một số cơ sở giáo dục phổ thông (Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trường Trung học phổ thông Ba Vì; Trường Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, Trường Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, Trường Trường Trung học phổ thông Bãi Cháy, Trường Trung học cơ sở Dục Tú, Hệ thống giáo dục Alpha school…), bước đầu được giáo viên và học sinh đánh giá có hiệu quả cao.

Trong những năm học tiếp theo, hoạt động này sẽ tiếp tục được cải tiến, đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa khoa với các cơ sở giáo dục phổ thông trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Học sinh trường Trung học phổ thông Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) tham gia hoạt động trải nghiệm STEM tại phòng thí nghiệm Sinh lý học thực vật.

Trong suốt 45 năm qua, nhờ sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ thầy và trò, khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và trong hệ thống các trường đại học trên cả nước.

Với các thành tích đã đạt được, Khoa vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huân chương Lao động hạng ba. Đây là những phần thưởng cao quý tiếp thêm động lực cho thế hệ thầy và trò trong Khoa tiếp tục phấn đấu cho sự phát triển của khoa trong tương lai.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2030, khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp phấn đấu trở thành đơn vị đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sinh học và giáo dục sinh học hàng đầu của cả nước, vươn tới hội nhập các nước ở khu vực Đông Nam Á và tiếp cận quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực sinh học; có ảnh hưởng và đóng góp vào sự phát triển của các cơ sở giáo dục phổ thông khu vực phía Bắc và của cả nước; đảm bảo người học sau tốt nghiệp có năng lực làm việc, thích ứng, sáng tạo và phát triển nghề nghiệp.

Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp thực hiện quan điểm giáo dục “lấy người học làm trung tâm” và giúp người học “tự học, tự khám phá”. Quá trình học tập chỉ thực sự diễn ra khi người học chủ động học tập; Người học tự xây dựng kiến thức của mình thông qua những trải nghiệm thực tế và củng cố kiến thức qua những trải nghiệm đó; Người học phải ý thức được việc phải tiếp tục học tập suốt đời.

Các thế hệ viên chức và người học khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp trân trọng ghi nhớ công lao đóng góp của cố Trưởng khoa - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiết, người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Khoa, cố Trưởng khoa - Tiến sĩ Phạm Văn Năng đã tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của Khoa.

Đồng thời, khoa cũng trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các đồng chí nguyên Trưởng khoa: Tiến sĩ Hoàng Nguyễn Bình, Tiến sĩ Đào Xuân Tân, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Nhung, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính cùng các Ban lãnh đạo Đảng, chính quyền tiền nhiệm và bày tỏ lòng biết ơn tới các thế hệ giảng viên và người học đã học tập, công tác tại Khoa, những người đã tô thắm trang sử vàng của khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thế hệ các viên chức, giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh luôn tự hào được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đã đạt được trong 45 năm qua, viên chức, giảng viên và người học khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp quyết tâm phấn đấu và xây dựng Khoa ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong giai đoạn mới.

Theo Nguồn baomoi.com

45 năm xây dựng và phát triển khoa Sinh - Tin Tức